--------> Sưu Tầm và Chia Sẻ Mọi Thứ

--------> Sưu Tầm và Chia Sẻ Mọi Thứ

Ký ức hằn sâu một thập kỷ của người tù bị oan

Theo lời ông Chấn, sau khi bị bắt thức nhiều đêm để lấy lời khai, ông nhận tội giết người với hy vọng không bị đánh nữa, giữ sức lên tòa kêu oan. Khi ấy ông không biết rằng sẽ phải ngồi tù một thập kỷ.

Một đêm tháng 8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang, năm đó 31 tuổi, chết với nhiều vết đâm chém trên người. Cơ quan điều tra xác định nạn nhân bị giết. Khoảng 30 người đàn ông ở xã được triệu tập để lấy lời khai, trong đó có ông Nguyễn Thanh Chấn người làng Me.

Nhớ về những ngày ấy, con trai cả ông Chấn là Nguyễn Chí Quyết (nay 32 tuổi) cho biết, hai ngày đầu, cứ sáng cha anh có công an đến đón đi, chiều lại thả về.

"Đến ngày thứ ba bị triệu tập, lúc đó tôi cùng hai chú đánh xe ngựa trên đê thì gặp công an đang chở bố. Tôi hỏi: 'Bố lại lên công an à'. Bố bảo đi rồi về, thế mà tối đó không thấy ông đâu", người con trai kể. Những ngày sau nữa đều không thấy ông về, gia đình bắt đầu có linh cảm xấu. "Bà tôi cùng bác mang thức ăn, quần áo lên công an huyện cho bố, tới nơi thì họ bảo chuyển bố lên trại giam Kế của tỉnh rồi", Quyết kể.

Vài ngày kế tiếp, gia đình lên trại giam Kế để tìm gặp ông Chấn nhưng chỉ nhận câu trả lời: "Đang trong thời gian cách ly không được gặp". Ngày bị bắt là 29/8/2003, ông Chấn không được một lời dặn dò gia đình, để rồi 7 tháng sau gặp lại người nhà, ông đã bị tuyên án chung thân với tội danh giết chị Hoan.

Mỗi lần nhắc đến con gái phải đi xuất khẩu lao động nơi đất khách quê người lấy tiền kêu oan cho cha, ông Chấn (áo trắng) lại khóc. Ảnh: Quý Đoàn.


Kể lại những ngày tháng qua, ông Chấn vẫn còn run. Ngày đó, nhà ông có một cửa hàng bán tạp hóa ở sân bóng, ngay gần cửa hàng của chị Hoan. Vợ chồng ông vẫn còn nhớ, khoảng 19h ngày định mệnh ấy, vợ bảo chồng đi lấy nước về ngâm cà. Đường lấy nước ngang qua nhà chị Hoan và ông nhìn thấy cô này đang đút cơm cho con. Ông nhanh chóng gánh nước về quán, rồi về nhà ăn cơm để thay ca cho vợ. Như thường ngày, khoảng 21h, vợ chồng ông dọn quán rồi về nhà cách đó tầm 300m ngủ. Nửa đêm thì dân làng náo loạn bởi tin chị Hoan bị chém chết dã man. Ông Chấn cũng ra quán xem sự thể và còn cho bà con gọi nhờ điện thoại.

Những ngày sau đó, ông cũng bình thản như hàng chục người khác bị công an triệu tập lấy lời khai. Đến ngày thứ ba thì ông bị giữ lại. Theo ông Chấn, nhiều ngày sau đó ông bị bắt thức đêm, bắt nhận tội giết người nhưng trước sau vẫn một mực không nhận. Tại trại Kế (Bắc Giang), ông kể rằng bị ép cung, bị dụ dỗ và bắt diễn nhiều lần hành vi giết người theo hướng dẫn của các cán bộ trại giam."Cán bộ bảo tôi nhận tội để không bị đánh, giữ sức lên tòa mà kêu oan sẽ không sao cả. Tôi đã dại dột nghe theo", ông Chấn kể lại.

Từ phiên sơ thẩm đến phúc thẩm, ông Chấn kêu oan nhưng vẫn bị kết án giết người. Cả gia đình ông Chấn ôm nhau khóc, một số người làng cũng khóc theo. Hơn 30 người dân làm đơn gửi cơ quan chức năng kêu oan cho ông.

Vợ ông Chấn đang bệnh thần kinh sau 10 năm miệt mài giải oan cho chồng. Ảnh: Quý Đoàn.


Trong hơn 10 năm qua, gia đình ông Chấn đã không ngừng tìm bằng chứng ngoại phạm, tìm hung thủ và đưa sự thật đến các cơ quan nhà nước. Theo ông Thân Ngọc Hoạt (anh đồng hao với ông Chấn) gia đình đã phải đích thân điều tra, gửi những bằng chứng xác đáng lên các cơ quan công quyền như Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng chính phủ, Viện Kiểm sát, Bộ Công an, Hội Cựu chiến binh... thì sự việc mới được làm sáng tỏ.

Để tìm bằng chứng ngoại phạm cho em, ông Hoạt đã tìm gặp lại tất cả những người có mặt ở quán nhà ông Chấn vào thời điểm chị Hoan bị giết. Lúc xảy ra án mạng có ông Thực, một thương binh nặng đến gọi điện thoại. Ngoài ra có một cụ hưu trí mua nước mắm, một cụ bà dỗi con cháu đến quán ngồi chơi và một số người nữa.

"Tôi bảo vợ Chấn lên bưu điện huyện Việt Yên xin danh sách cuộc gọi mấy lần mới được. Khi có tờ báo chi tiết chính xác ngày giờ, số gọi đi, gọi đến, tôi mang tới cho ông Thực và ông ký vào giấy xác nhận. Sau đó, có khoảng 30, 40 người viết đơn kêu oan cho Chấn mà vẫn không được", ông Hoạt cho biết.

Ở đâu, làm gì các thành viên trong gia đình ông Chấn đều nghe ngóng những lời khả nghi và ghi lại chi tiết người nói, ngày giờ. Người thân của ông cũng bóng gió về việc kêu oan lên Trung ương để kẻ thủ ác phải sợ.


Con trai đi tù, con dâu kiệt sức vì kêu oan, bà Vì - mẹ ông Chấn - vẫn phải mưu sinh phụ giúp các con, các cháu. Ảnh: Quý Đoàn.


Manh mối xuất hiện năm 2004, khi bà Lành (mẹ kế của hung thủ Lý Nguyễn Chung) tiết lộ bí mật với nhiều người. Ông Khánh, ông Hiền (bác và bố đẻ bà Lành) cứ chủ động đến quán nhà Chấn nói bóng gió: "Oan cho anh Chấn quá! Chỗ điều tra lại chẳng điều tra, để người ta oan quá". Nhiều lần như thế, gia đình ông Chấn cũng sinh nghi.

Bà Nguyễn Thị Lành là vợ hai của ông Chúc (bố đẻ của Lý Nguyễn Chung). Vợ đầu chết, ông Chúc có 4 đứa con riêng, trong đó có Chung. Đầu năm 2012, ông Chúc nói với bà Lành cho Chung 20 triệu đồng để làm nhà. Giữa ông Chúc và bà Lành nảy sinh mâu thuẫn, ông Chúc dọa giết khiến bà Lành phải đi Quảng Ninh làm ăn vài tháng. Ngày trở về thì xe, ngựa và một số tài sản khác bị ông Chúc bán sạch. Giận chồng, bà Lành kể chuyện của Chung cho nhiều người hơn.

"Để chắc chắn, tôi nhờ một người hay cà kê với ông Khánh nắm thông tin. Khi đã xác định được thủ phạm thực sự, tôi và vợ Chấn đích thân đến gặp ông Khánh hỏi lại, ghi âm toàn bộ và viết đơn nhờ ông ký. Ông Khánh sẵn sàng ký đơn và hứa sẽ đưa sự thật ra ánh sáng", ông Hoạt nhấn mạnh.

Có được tất cả bằng chứng đó, gia đình ông Chấn bắt đầu gửi đơn lên các cơ quan công quyền Trung ương. Ngày 4/11, ông Chấn đã được tạm thả tự do. Chiều 6/11, phiên tòa tái thẩm đã tuyên ông Chấn không có tội, hủy các bản án trước.

Khi được thông báo kết quả phiên họp kín tái thẩm, cả gia đình ông Chấn khá điềm tĩnh đón nhận. Mệt mỏi của những năm tháng qua khiến ông không cất nên lời. Vợ ông nằm liệt giường cả chiều. Niềm vui được đoàn tụ nhanh chóng qua đi nhưng nỗi mất mát vẫn ở lại.

Phan Dương

0 comments :

Post a Comment