Đất nước 'thoáng' về mại dâm nhưng cấm dùng kẹo cao su
Để mua được kẹo cao su người mua phải tìm đến đúng hiệu thuốc, phải trình chứng minh thư và chỉ được phép mua kẹo với số lượng hạn chế. Còn người bán có thể sẽ bị bỏ tù 2 năm cùng mức phạt lên tới 1,600 đô nếu phạm một trong số các quy định rất khắt khe về kinh doanh mặt hàng này.
Mại dâm là hợp pháp nhưng nhai kẹo cao su lại phạm luật
Kể từ năm 1992, những viên kẹo cao su đã không nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và các nhà chức trách nước này. Không giống với phần đông các nước trên thế giới, kẹo cao su là món hàng được bày bán ở khắp các ngõ ngách trên phố. Ở đảo quốc sư tử, kẹo cao su chỉ được bán ở các cửa hiệu thuốc. Những loại kẹo được bày bán ở đây cũng đều mang ý nghĩa dược phẩm hơn là thứ đồ ăn chơi. Khách hàng khi muốn mua phải cung cấp đủ tên và chứng minh thư. Còn các dược sỹ cũng dễ dàng bị bỏ tù đến 2 năm cùng một khoản tiền phạt tới 1,600 đô nếu vi phạm một trong những quy định khắt khe trong điều lệ kinh doanh mặt hàng này.
Một khu vui chơi xanh và sạch của đảo quốc Sư tử .
Và kể từ khi đạo luật cấm dùng kẹo cao su trong suốt 18 năm (kể từ năm 1992), người Singapore luôn phải sống trong nỗi sợ bị phạm vào tội danh nghe ra rất phi lý: Nhai kẹo cao su. Trên khắp các trung tâm mua sắm, quảng trường, đường phố, biển báo cấm dùng kẹo cao su giăng mắc khắp nơi. Cảnh sát sẵn sàng tuýt còi nếu thấy ai đó đang nhai kẹo hoặc cầm kẹo. Và bất cứ ai, dù là dân bản địa hay khách du lịch nếu phạm tội nhai kẹo cao su thì đều phải chịu các hình phạt nặng như phạt tiền và thậm chí giam giữ. Vì thế nên để được dùng kẹo, một số người Singapore, sau khi lén lút mua hàng từ nước ngoài, mà phần lớn là từ láng giềng Malaysia, phải giấu giếm và lén lút nhai kẹo trong nhà.
Với phần đông người dân Singapore, đạo luật cấm dùng kẹo cao su là một điều vô lý và không thể chấp nhận. Người ta làm thơ, vè chế giễu lệnh cấm. Fayen Wong, 22 tuổi, sinh viên của một trường đại học trong nước đầy mỉa mai khi đưa ra so sánh: Mại dâm lại là hợp pháp và khách hàng chẳng cần phải đăng ký gì. Cậu bảo: “Thật là lố bịch làm sao, trong khi một đứa con trai 16 tuổi có thể thoải mái “chơi” gái mại dâm nhưng lại không dám nhai kẹo cao su. Tại sao tôi lại gặp vô vàn phiền phức mới mua được một gói kẹo cao su nicotine cai nghiện thuốc lá trong khi tôi có thể dễ dàng mua thuốc lá mà chẳng cần phải trình bày tên họ gì cả? Tôi không nghĩ rằng luật cấm kẹo cao su sẽ giúp người hút thuốc từ bỏ thuốc".
Sự vắng bóng của những bã kẹo cao su là cách giữ cho môi trường Singapore sạch.
Cấm kẹo cao su vì một thành phố xanh, sạch
Trong quá trình đấu tranh suốt nhiều thế kỷ để giành độc lập, đất nước nhỏ bé Singapore đã phải không ngừng đấu tranh. Và kể từ khi giành độc lập, đất nước này đã phải nỗ lực phát triển vượt bậc các ngành công nghiệp để trở thành nước giàu mạnh.
Song sự bùng nổ kinh tế đột ngột cũng làm phá hỏng cảnh quan môi trường nhanh chóng ở nhiều vùng khác nhau của đất nước. Đặc biệt, trong những năm 80, công nhân vệ sinh công cộng đã gần như bất lực trước nạn bã kẹo cao su rải khắp đường phố, cầu thang, thang máy, vỉa hè, xe buýt thành phố và khu vực công cộng khác. Họ không thể dọn sạch vì bã kẹo cao su rất khó làm sạch và hơn nữa không thể nào làm sạch khi mà người dọn không kịp người nhả bã kẹo.
Trước thực trạng này, năm 1987, Thủ tướng Chính phủ Lý Quang Diệu đã nhận được bản dự thảo đầu tiên của các nhà lập pháp nước này đề nghị cấm sử dụng kẹo cao su. Có điều năm đó dự thảo không được thông qua. Nạn bã kẹo cao su vẫn hoành hành các thành phố. Đến năm 1987, khi Singapore đưa vào sử dụng hệ thống tàu điện ngầm cao cấp trị giá 5 tỷ đô với hy vọng sẽ mang lại sự hiện đại, lịch lãm cho cảnh quan thành phố. Nhưng hệ thống tàu hiện đại ấy nhanh chóng bị nạn bã kẹo cao su bủa vây. Trên khắp các ghế ngồi, tay cầm, cửa cảm biến, cửa tự động luôn chì chịt bã kẹo. Nhân viên vệ sinh và nhân viên bảo dưỡng tàu điện làm việc ngày đêm mà vẫn không cải thiện được tình hình còn nhà nước mất một khoản tiền lớn để giải quyết nạn bã kẹo.
Trước thực trạng đó, năm 1992, luật cấm nhai kẹo cao su được thông qua. Theo đó, người dân Singapore sẽ phải hạn chế sử dụng, phân phối và kinh doanh tất cả các loại kẹo cao su. Cảnh sát bắt đầu thực thi nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt nặng bất cứ ai làm vấy bẩn cảnh quan môi trường bằng vỏ kẹo cao su và bã kẹo. Thậm chí chỉ cần nhìn thấy người ăn kẹo, cảnh sát đã có thể phạt. Chuyện nhập khẩu tất cả các loại kẹo cao su bị cấm. Vì lẽ đó nên, trong suốt 12 năm, từ năm 1992 đến 2004, gần như kẹo cao su vắng bóng trên đất nước này.
Cuối năm 2004, dưới sức ép của nhiều phía, đặc biệt là Hoa Kỳ với mục tiêu là bảo vệ lợi ích cho công ty sản xuất kẹo cao su Wrigley khổng lồ của mình, luật cấm sử dụng kẹo cao su của Singapore đã thay đổi chút ít. Theo thỏa thuận giữa các bên, Singapore đồng ý cho phép bán "kẹo cao su điều trị " Wrigley ở các hiệu thuốc. Kẹo cao su nicotine, được thiết kế để giúp người hút thuốc cai thuốc cũng được bán. Tất thảy có 19 loại kẹo "thuốc" và các sản phẩm kẹo cao su "nha khoa" được bán tại đây. Để được sử dụng kẹo cao su, người dùng phải tuân thủ nhiều quy định và phải mua trực tiếp từ nha sỹ hoặc bác sỹ. Nếu người nào mua kẹo mà không cung cấp đủ thông tin cho nhà nước có thể bị bỏ tù đến 2 năm và bị phạt 3,000 đô.
Khách du lịch tham quan Singapore cũng được phép mang theo kẹo cao su nhưng chỉ gói gọn tối đa ở mức độ 2 gói mỗi người. Nếu ai đó cố tình mang nhiều hơn sẽ bị buộc tội "buôn lậu kẹo cao su". Và hình phạt cho tội danh là có thể là 1 năm tù và 5,500 đô tiền phạt. Người nhả bã kẹo cao su ra các công trình công cộng nếu bị cảnh sát bắt sẽ bị phạt tiền, lao động công ích hoặc thường xuyên bị đánh công khai trước dân chúng bằng một thanh tre.
Trước quy định nghiêm ngặt và thực hiện chặt chẽ của cảnh sát, thị trường đen "kẹo cao su" dường như không tồn tại ở Singapore. Vì lẽ đó nên đa số người dân nước này muốn thưởng thức loại kẹo này đều phải lựa chọn cách duy nhất là đi đến các nước láng giềng cho phép dùng kẹo.
Từ trước đến nay, Singapore có tiếng là đất nước xanh, sạch. Và để giữ được danh tiếng này, các nhà chức trách đã phải thực hiện nhiều biện pháp. Cấm sử dụng kẹo cao su cũng là một trong những biện pháp không ngoài mục đích giữ gìn danh tiếng ấy.
"Nỗ lực tạo ra một môi trường sống xanh, sạch và an toàn đã dành được nhiều sự ủng hộ của dư luận quốc tế hơn là những lời chỉ trích dùng kẹo cao su", ông Maliki Osman, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore đã trình bày với quốc hội như vậy. Và trả lời mục đích cho việc cấm sử dụng kẹo cao su ở nước này, ông Osman cho biết: "Chính phủ quyết định cấm nhai kẹo cao su nhằm tạo nên một môi trường sống sạch sẽ và thoải mái cho tất cả người dân Singapore cũng như du khách quốc tế".
Thu Hương (theo Reuters, The Independent)
Theo Người đưa tin
0 comments :
Post a Comment