--------> Sưu Tầm và Chia Sẻ Mọi Thứ

--------> Sưu Tầm và Chia Sẻ Mọi Thứ

Công nhân đóng tàu ngầm Trường Sa khóc khi thử thành công

Đóng góp một phần không nhỏ vào dự án tàu ngầm Trường Sa là toàn bộ các kỹ sư, công nhân trong công ty của kĩ sư Nguyễn Quốc Hòa (Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Trường Sa không phải của mình tôi

Trao đổi với Báo Đất Việt, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, người đang đóng chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa cho biết: : “Để đến được ngày hôm nay, tàu ngầm này không phải của riêng mình tôi mà của toàn bộ anh em công nhân, kỹ sư, cả người bảo vệ, cô kế toán… của công ty này.

Thực tế, ý tưởng, thiết kế, tôi có thể tự vẽ, nhưng anh em công nhân mới là người bắt từng con ốc, hàn từng mối thép. Trường Sa là của chúng tôi”.

Khi hỏi về khả năng thành công của tàu ngầm Trường Sa, ông Hòa tự tin khẳng định: “Tôi chưa nhìn thấy % nào cho sự thất bại cả.

Tuy nhiên, hiện tại tiến độ đang bị chậm vì cũng đã là dịp cuối năm, công ty nào cũng rất bận rộn chứ không riêng chúng tôi.

Trường Sa là cái của tương lai, nhưng trước mắt, chúng tôi phải làm kinh tế, đảm bảo đời sống anh em, cũng như có tiền mà nghiên cứu, thử nghiệm. Phải lấy ngắn nuôi dài mới được.”



Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cùng các công nhân bên vỏ chiếc tàu ngầm Trường Sa


Khóc khi thử hệ thống AIP trên cạn

Khi trao đổi với ông Hòa về hệ thống AIP, ông khẳng định: “Không thể mang AIP của một ông doanh nhân Việt Nam so sánh với công nghệ tàu ngầm của nước ngoài. Tiêu chí của chúng tôi là rẻ, sẵn có, dễ sản xuất, và trên hết là phải an toàn”.

Trao đổi với một số công nhân trong xưởng sản xuất của ông Nguyễn Quốc Hòa, trong con mắt mỗi người thợ ở đây đều ánh lên niềm tự hào khi nói về chiếc tàu ngầm.

Trao đổi với anh Nghiêm, công nhân ở bộ phận gia công chi tiết, anh cho biết: “Chục ngày nữa là tàu hạ thủy rồi. Mới ngày nào anh em trong xưởng còn họp bàn, thiết kế, làm từng cái bu lông, từng mối nối của con tàu mà giờ mọi thứ đã sắp hoàn thiện. Anh em chúng tôi rất vui mừng”.

Anh Nghiêm kể lại cái ngày giám đốc Hòa tuyên bố thành công hệ thống AIP: “Trong lúc thử nghiệm tàu cũng xảy ra nhiều vụ nổ nhỏ, chủ yếu ở bộ phận lọc khí, lọc dầu. Nhưng anh em công nhân với chú Hòa không hề nản lòng. Chúng tôi luôn tự nhủ vì đây là tàu ngầm đầu tiên Việt Nam chế tạo nên không thể trách khỏi những sai sót.

Đến khi chú Hòa tuyên bố “thành công rồi”, anh em chúng tôi vui mừng không nói nên lời. Có công nhân còn rơi nước mắt.

Thành công trên cạn, nhưng xuống nước thế nào, chắc chắn sẽ còn phải thử nghiệm. Nhưng dù thế nào chúng tôi cũng không nản lòng.”



Những công nhân của công ty gia công một số chi tiết trên tàu


“Mọi thứ phải thật hoàn hảo, phải thử nghiệm những giới hạn cực điểm của con tàu để đến khi không xảy ra cháy, nổ nữa thì mới tiến hành hạ thủy.

Tàu ngầm Trường Sa sẽ chứng minh cho mọi người thấy, Việt Nam cũng đủ sức chế tạo được tàu ngầm mang thương hiệu của riêng mình”, anh Nghiêm khẳng định.

“Được tham gia vào dự án này, mấy anh em trong xưởng thích thú và thấy tự hào lắm. Xưởng toàn mấy chú kỹ sư trẻ, ý tưởng này đã được mấy chú ấp ủ từ lâu, nhưng phải đến tận bây giờ mới có cơ hội được thực hiện.

Tàu ngầm Trường Sa thành công, sẽ đóng góp một bước tiến lớn trong ngành công nghệp đóng tàu của nước nhà. Nếu Việt Nam có khoảng 100 chiếc tàu ngầm mini như tàu Trường Sa và được trang bị vũ trang, thì những nước có mưu đồ sẽ không thể dễ dàng xâm chiếm quần đảo Trường Sa của chúng ta được” – một kỹ sư của xưởng sản xuất cho biết.

Người công nhân của công ty chia sẻ: “Tôi đã làm việc với ông Hòa từ rất lâu. Ông là một con người luôn cẩn thận trong mọi việc, và rất trách nhiệm trong mọi sản phẩm. Không phải tự nhiên mà người Nhật lựa chọn chúng tôi để làm đối tác trong khi họ có thể mua máy của Trung Quốc”.

Các kĩ sư và công nhân của công ty đang ngày đêm cố gắng hoàn thiện nốt những chi tiết còn lại của tàu ngầm Trường Sa.

Mồ hôi và những giọt nước mắt của họ đã bỏ ra chỉ để mong đứa con tinh thần của mình hạ thủy thành công. Đóng góp một phần vào ngành công nghiệp đóng tàu nước nhà cũng như muốn khẳng định những gì thế giới làm được thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

0 comments :

Post a Comment