--------> Sưu Tầm và Chia Sẻ Mọi Thứ

--------> Sưu Tầm và Chia Sẻ Mọi Thứ

Bão số 5 giật cấp 12, 13 cách Hải Phòng- Nam Định 400km

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 5 đang tiến rất nhanh về phía bờ biển Quảng Ninh- Nam Định. Đây là một...

(Tin Tức Thời Tiết) Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 5 đang tiến rất nhanh về phía bờ biển Quảng Ninh- Nam Định. Đây là một cơn bão mạnh, hết sức phức tạp, hiện tại vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, 13.
Hồi 19 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 410km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. 
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Như vậy tối nay (02/8), bão số 5 sẽ vượt qua phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 07 giờ sáng ngày 03/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. 
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 03/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7. 
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 04/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). 
Đường đi của cơn bão số 5
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm mai (3/8), các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ảnh chụp mây vệ tinh lúc 21h30
Để đối phó với cơn bão nguy hiểm này,  các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đang chủ động đối phó với diễn biến của bão. 
Tại Hải Phòng: Trước 21 giờ ngày 2/8, huyện Cát Hải và các địa phương sẽ cơ bản hoàn tất công tác sơ tán dân, di chuyển, neo đậu tàu thuyền, lồng bè và kiểm tra gia cố hệ thống đê. Thành phố cũng dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thủy nội địa bắt đầu từ 17 giờ ngày 2/8. 
Tại huyện Bạch Long Vỹ, đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, nhân dân sẵn sàng tham gia phòng chống bão trên đảo và âu cảng; kêu gọi, vận động tàu thuyền đang hoạt động di chuyển về đất liền; thực hiện di dời 12 hộ dân từ khu 32 gian làng cá về nơi an toàn. Huyện Kiến Thụy, toàn bộ 281 phương tiện với 908 người hoạt động trên sông, biển đã về nơi tránh trú bão; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, lên phương án sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp. 
Huyện Tiên Lãng đã kiểm tra hệ thống đê, hoành triệt cống xung yếu; chủ động vận hành hệ thống các cống tiêu và các trạm bơm tiêu úng, các chủ đầm nuôi trồng thủy sản chuẩn bị phương tiện, vật tư bảo vệ ao đầm hồ, lồng bè. Huyện An Lão đã xử lý mạch rò lớn tại K8+870 đê Tả Văn Úc. Quận Hải An có 168 phương tiện với 233 người đã về bến an toàn. Quận Dương Kinh triển khai phương án phòng chống bão, phương án di dân, bảo vệ trọng điểm trên tuyến đê biển I, phòng chống úng lụt; thông báo, vận động các chủ đầm nuôi trồng thủy sản phòng chống ngập úng. 

Trong khi đó, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thái Bình đã tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu thuyền vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn và hoàn thành trước 9h ngày 3/8/2013;Từ sáng ngày 1/8, tỉnh đã tổ chức các Đoàn đi kiểm tra các tuyến đê cửa sông và đê biển. 
Tại Nam Định: Ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 5, từ ngày 29-7 đến 2-8, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, UBND tỉnh đã có 2 Công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai toàn diện công tác phòng, chống cơn bão số 5. Trong đó, tập trung thực hiện các công việc: Cập nhật thông báo diễn biến của bão. Kiểm đếm, gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ẩn, cấm tàu thuyền ra khơi. Chủ động phương án gọi các chủ đầm, người nuôi trồng thuỷ sản ở các cửa sông, chòi canh, người sinh sống ngoài đê vào nơi an toàn.
Chủ động phương án sơ tán dân ở nhà thuộc diện nguy hiểm và dân tại các vùng cửa sông, ven biển. Tiêu rút nước đệm, chủ động phòng, chống úng, ngập cho lúa và rau màu. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án và nhà thầu đang thi công các công trình chủ động phương án bảo đảm an toàn người và vật tư, tài sản, thiết bị. Chủ động phương án hộ đê đối với những công trình đê xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra các bến đò, điều kiện bảo đảm an toàn của các phương tiện.
Tại Quảng Ninh: Đã cấm biển đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ từ 10h ngày 1/8/2013; tổ chức sơ tán dân trên các lồng bè hoàn thành trước 8h ngày 3/8; cấm các tàu thuyền du lịch không ngủ đêm trên vịnh từ tối ngày 2/8, di chuyển vào nơi trú tránh an toàn trước 14h chiều 2/8; các địa phương ven biển kiểm tra và gia cố những đoạn đê xung yếu bị tràn nước trong cơn bão số 2 vừa qua. 
Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã huy động lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp để ứng phó với tình hình mưa lũ và thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến của mưa lũ và tình hình thiệt hại do mưa, lũ gây ra về Văn phòng Thường trực BCĐ PCLBTW.
Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục diễn biến cơn bão số 5

0 comments :

Post a Comment